Tại sao giao diện của Chinese app lại phức tạp?

5 min read

It's 2023: Why isn't there a super-app in the West? | by Ani Ganti | UX  Collective

Mình luôn thấy bối rối khi nhìn vào giao diện của các ứng dụng Trung Quốc như WeChat, Weibo, Shopee… Chúng chứa đầy thông tin và chức năng. Trong khi đó, với cùng một tính năng gửi và nhận tiền, PayPal lại có thiết kế tối giản hơn rất nhiều so với Alipay. Vậy tại sao họ lại chọn cách trình bày phức tạp với nhiều chức năng như vậy? Có vẻ như các nguyên tắc thiết kế như khoảng trắng, định luật Hick, định luật Miller… đã bị bỏ qua?

Bài viết này nhằm giải đáp những thắc mắc đó. Nội dung chính sẽ bao gồm:

  • Super-app là gì?
  • Tại sao super-app được ưa chuộng tại Trung Quốc?
  • Sự khác biệt văn hóa trong thiết kế giao diện giữa phương Tây và Trung Quốc.

Super-app là gì? Super-app, hay còn gọi là “siêu ứng dụng”, là loại ứng dụng tích hợp nhiều chức năng trong một nền tảng duy nhất. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên để mô tả về WeChat ở Trung Quốc, một ứng dụng cho phép người dùng gửi và nhận tiền, nhắn tin, mua sắm, tham gia mạng xã hội, chơi game… Tất cả chỉ gói gọn trong một ứng dụng duy nhất.

Tại Trung Quốc, có nhiều nơi chỉ chấp nhận thanh toán qua WeChat hoặc Alipay, không nhận tiền mặt hay thẻ tín dụng. Thành công của WeChat tại Trung Quốc đã tạo tiền đề cho các sản phẩm như Grab, Gojek, Shopee, TikTok, Facebook, Telegram… cũng phát triển theo mô hình siêu ứng dụng này.

Tại sao super-app được ưa chuộng tại Trung Quốc? Lý do đầu tiên là vì sự đơn giản và trải nghiệm đồng nhất. Thử tưởng tượng, bạn nhận được tin nhắn từ sếp yêu cầu mua một ly cà phê, bạn đến cửa hàng thanh toán, rồi đặt taxi về chỗ làm. Tất cả những hoạt động này đều có thể thực hiện trong một ứng dụng duy nhất là WeChat. Người dân Trung Quốc không thích cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau cho từng nhu cầu. Họ muốn có một nơi tích hợp mọi thứ để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, việc sử dụng một ứng dụng duy nhất cũng giúp họ không cần ghi nhớ nhiều mật khẩu, tài khoản và thông tin liên kết ví thanh toán.

Lý do thứ hai là do tâm lý muốn có nhiều thông tin và sự lựa chọn, giúp họ cảm thấy an toàn và hài lòng hơn. Ví dụ, ứng dụng Gaode Map (tương tự Google Maps) không chỉ cung cấp bản đồ mà còn tích hợp dịch vụ đặt xe và so sánh giá cả giữa các hãng. Thay vì cảm thấy quá tải với nhiều thông tin, người dùng lại cảm thấy yên tâm khi có nhiều phương án để lựa chọn.

Một lý do khác là sự phân mảnh phần cứng lớn ở hệ điều hành Android tại Trung Quốc. Nếu mỗi ứng dụng được phát triển riêng lẻ, các lập trình viên phải tối ưu hóa phần cứng và giao diện cho từng hãng điện thoại như Xiaomi, Huawei, Oppo… Trong khi đó, với super-app, mọi thứ đều mang lại trải nghiệm tổng thể liền mạch, giúp tiết kiệm chi phí phát triển và bảo trì.

Sự khác biệt văn hóa trong thiết kế giao diện giữa phương Tây và Trung Quốc Trung Quốc là một đất nước có nền văn hóa High-context (văn hóa ngữ cảnh cao), nơi mọi thứ thường được diễn đạt qua nhiều tầng lớp ý nghĩa trong ngữ cảnh. Ngược lại, giao diện ứng dụng ở các nước phương Tây, với nền văn hóa Low-context (văn hóa ngữ cảnh thấp), thường đi thẳng vào vấn đề, không rườm rà.

Hệ thống chữ viết cũng phản ánh phần nào điều này, với các ký tự phức tạp và mang nhiều ẩn ý được gói gọn trong không gian hẹp của từng ký tự. Hơn nữa, khi gõ phím trên điện thoại, việc sử dụng ký tự Trung Quốc cũng bất tiện hơn so với hệ thống chữ Latinh (A, B, C, D…), vì vậy triết lý thiết kế UX ở Trung Quốc có xu hướng trình bày sẵn các lựa chọn trước mặt người dùng mà không cần tìm kiếm quá nhiều.

Trái ngược với triết lý thiết kế “less is more” (ít hơn là nhiều) của phương Tây, với nhiều khoảng trắng, padding rộng rãi và giao diện tinh giản, thị trường Trung Quốc dường như theo đuổi triết lý “more is more” (nhiều hơn là tốt hơn), nơi các ứng dụng cố gắng cung cấp càng nhiều lựa chọn cho người dùng càng tốt.

Kết luận Mặc dù các nguyên tắc thiết kế phổ biến từ phương Tây, chúng không phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp. Đôi khi cần phải linh hoạt để phù hợp với thị hiếu của người dùng, chẳng hạn như TikTok có hai phiên bản khác nhau dành cho thị trường quốc tế và nội địa.

Ngoài ra, với sự quản lý nghiêm ngặt của chính phủ và sự phát triển độc lập của Internet tại Trung Quốc, nước này dường như có một hướng đi riêng. Điều này cũng thấy rõ ở các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, nơi xu hướng thiết kế giao diện cũng có sự tương đồng.

Tóm lại, việc hiểu rõ các yếu tố văn hóa, xã hội và tâm lý người dùng là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp bạn có cái nhìn cởi mở và đa chiều hơn mà còn là cơ hội để phát triển một ứng dụng có thể tiến xa hơn trên thị trường quốc tế.

Tham khảo:
https://digitalcreative.cn/blog/how-china-ux-is-different#lk7rax2p
https://www.theverge.com/22738395/social-media-super-app-facebook-wechat-shopping

Avatar photo

Giới thiệu về độ phủ C4 trong kiểm thử…

1. Giới thiệu Chặng đường tìm hiểu về kiểm thử hộp trắng của chúng ta đang đi đến những khái niệm cuối cùng. Hẳn...
Avatar photo Van Vu Thi
5 min read

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *