Hàng ngày, có khoảng 5,6 tỷ lượt tìm kiếm được thực hiện trên Google. Điều này cho thấy việc cạnh tranh và thu hút sự chú ý giữa các trang web rất khốc liệt trên các công cụ tìm kiếm. SEO là một chiến lược mà các doanh nghiệp nên áp dụng để tiếp cận khách hàng trong quá trình họ tìm kiếm thông tin về thương hiệu. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu cụ thể hơn về SEO và vì sao nó quan trọng với website của bạn.
SEO là gì?
SEO, viết tắt của Search Engine Optimization (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), là một tập hợp các kỹ thuật nhằm cải thiện thứ hạng của website hoặc các nội dung cụ thể trên trang kết quả của các công cụ tìm kiếm như Google, Cốc Cốc, Bing, hay YouTube. SEO tập trung vào việc làm cho các “bot” của Google, tức là các thuật toán điều khiển các bot này, nhìn nhận website của bạn như một kết quả tìm kiếm hữu ích và đáng tin cậy, từ đó xếp trang ở vị trí cao hơn so với đối thủ cạnh tranh.
SEO hoạt động như thế nào?
Để hiểu SEO, chúng ta cần phân tích cách mà Google tổ chức thông tin:
- Thu thập dữ liệu (crawling): Các “con bọ” (crawlers) liên tục quét khắp thế giới mạng để tìm kiếm các trang web và nội dung mới hoặc cập nhật thông tin của các trang đã biết trước đó.
- Lập chỉ mục (indexing): Google xử lý nội dung thu thập được, cố gắng hiểu chủ đề, tính mới mẻ,… và sắp xếp chúng vào một dạng “thư viện”. Hãy tưởng tượng công cụ tìm kiếm như một chiếc tủ chứa vô số ngăn kéo được dán nhãn một cách thông minh!
- Xếp hạng (ranking): Khi một người nào đó nhập ‘vé máy bay giá rẻ đi Đà Nẵng’ vào ô tìm kiếm của Google, hệ thống sẽ dựa trên hàng trăm yếu tố để chọn ra từ kho dữ liệu khổng lồ những kết quả tốt nhất và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên.
Nhiệm vụ của SEO là can thiệp một cách hợp lý và bền vững vào cả ba quá trình nhằm nâng cao thứ hạng của trang web. Cụ thể:
SEO On-page:
- Tối ưu hóa các yếu tố cấu thành website như cấu trúc trang, nội dung, hình ảnh, và các đoạn mã (tags) để Google có thể “đọc” và “hiểu” website dễ dàng hơn. Đồng thời, các tối ưu này cũng nâng cao trải nghiệm người dùng khi truy cập trang.
- Sử dụng các từ khóa phù hợp với ý định tìm kiếm của người dùng.
SEO Off-page:
- Bao gồm việc xây dựng backlink (liên kết từ các trang web uy tín khác đến website của bạn) và gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu trên mạng.
- Sử dụng các công cụ SEO phổ biến như Google Search Console, Ahrefs, SEMrush,…
Ví dụ: Khi tìm kiếm cụm từ “du lịch Nha Trang”, các trang như Vntrip, Traveloka hay các công ty du lịch địa phương xếp hạng cao, đó là kết quả của SEO tốt.
Cách SEO hoạt động không chỉ đơn giản là nhồi nhét từ khóa hay sử dụng vài thủ thuật kỹ thuật. Hãy nghĩ về SEO như một chiến lược dài hạn, trong đó bạn cần:
- Hiểu ý định tìm kiếm: Nắm bắt những gì người dùng tìm kiếm liên quan đến dịch vụ của bạn và những câu hỏi họ cần giải đáp. Bạn có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa như Google Keyword Planner hay Ahrefs để tìm kiếm và phân tích. Đừng quên nghiên cứu từ khóa mà đối thủ cạnh tranh của bạn đang sử dụng.
- Cung cấp giá trị: Sáng tạo nội dung và tối ưu hóa trang web để cung cấp cho người tìm kiếm những câu trả lời và trải nghiệm tốt nhất. Đảm bảo nội dung của bạn đầy đủ thông tin, dễ đọc và hữu ích.
- Xây dựng niềm tin: Chứng minh cho các công cụ tìm kiếm thấy rằng bạn là một nguồn thông tin chất lượng và đáng tin cậy. Đảm bảo website của bạn tải nhanh, thân thiện với thiết bị di động và có cấu trúc rõ ràng. Tập trung vào SEO kỹ thuật để tránh các lỗi làm Google khó chịu.
Nếu thực hiện đúng, SEO sẽ điều hướng lưu lượng truy cập chất lượng đến trang web của bạn và trong dài hạn, sẽ thúc đẩy các mục tiêu kinh doanh của bạn.
6 loại hình SEO phổ biến hiện tại
SEO không phải là một giải pháp chung cho tất cả, mà được chia thành 6 loại hình khác nhau. Việc hiểu rõ từng loại sẽ giúp bạn chọn chiến lược phù hợp với đặc thù doanh nghiệp và mục tiêu mong muốn.
SEO Tổng thể (SEO Overall)
SEO tổng thể là cách tối ưu hóa toàn diện trang web để nâng cao thứ hạng trên công cụ tìm kiếm cho nhiều cụm từ khóa khác nhau. Chiến lược này bao gồm cả yếu tố kỹ thuật (On-page) và việc xây dựng uy tín, độ tin cậy cho trang web (Off-page).
SEO Từ khóa
SEO từ khóa tập trung vào việc tối ưu hóa một hoặc một vài cụm từ khóa cụ thể nhằm đạt thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm. So với SEO tổng thể, SEO từ khóa có phạm vi mục tiêu hẹp hơn.
SEO Địa phương (SEO Local)
SEO Địa phương là phương pháp tối ưu hóa trang web để tăng cường mức độ hiển thị của doanh nghiệp tại các địa điểm cụ thể trong các tìm kiếm địa phương. Ví dụ, khi người dùng tìm kiếm “quán cafe quận 2”, các quán cafe tối ưu SEO Địa phương tốt sẽ có khả năng xuất hiện cao hơn trong kết quả tìm kiếm.
SEO Hình ảnh
SEO Hình ảnh là cách tối ưu hóa các tập tin hình ảnh (ảnh chụp, infographics,…) để chúng có cơ hội xuất hiện cao hơn trong phần tìm kiếm bằng hình ảnh (Google Images). Khi được thực hiện tốt, SEO hình ảnh có thể mang lại nguồn traffic chất lượng cho trang web.
SEO Ứng dụng di động (SEO App)
SEO Ứng dụng di động, còn gọi là App Store Optimization (ASO), là quá trình tối ưu hóa ứng dụng di động để tăng thứ hạng trên các cửa hàng ứng dụng như App Store (Apple) hay CH Play (Android). Với nhu cầu tìm kiếm và sử dụng ứng dụng qua thiết bị di động ngày càng tăng, ASO đóng vai trò quan trọng.
SEO Mạng xã hội (SEO Social)
SEO Mạng xã hội là phương pháp tối ưu hóa các trang mạng xã hội của doanh nghiệp nhằm gia tăng khả năng hiển thị trong kết quả tìm kiếm, đồng thời thu hút thêm lưu lượng người dùng về trang web chính.