Trong tình huống cần đưa ra quyết định, chúng ta thường gặp một trong hai tình huống sau: chúng ta hoặc là 1) bị quá tải bởi số lượng các lựa chọn hoặc 2) có quá ít phương án để lựa chọn.
Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều muốn có được quyết định đúng đắn, và đều sợ rằng mình sẽ đựa ra một lựa chọn sai lầm. Thế nhưng không gì là hoàn hảo, mọi lựa chọn xuất hiện trong các tình huống đều bao gồm cả ưu và nhược điểm của chính nó. Quy trình sau đây sẽ hỗ trợ quí vị và các bạn tìm ra được phương án tốt nhất cho gần hết mọi vấn đề, đại khái gồm mấy bước:
1. Hiểu về giá trị
Có rất nhiều người hỏi tôi xem họ nên làm gì trong một trường hợp nào đó, hay nói cách khác, họ muốn nhờ tôi ra quyết định hộ (?) Có nên hay không việc rời khỏi một mối quan hệ? Làm tiếp hay nghỉ việc thì tốt hơn? Nên thôi không nói chuyện với đứa bạn xấu hay trao đổi để giúp nó hoàn thiện bản thân?
Vấn đề là, chẳng thể có câu trả lời rõ ràng cho mấy trường hợp đó được. Quan trọng là bạn muốn hướng tới giá trị gì? Hay nói cách khác, bạn muốn ưu tiên cho cái gì? Mối quan hệ đấy có là quan trọng với bạn hay không? Bạn có thích làm việc ở công ty đấy không? Hay bạn thích xừ nó cái công ty kia hơn rồi?
Bản chất của cái khó trong việc ra quyết định, chính là sự cân nhắc về các giá trị đi kèm: giá trị tình cảm, giá trị tài chính, giá trị xã hội. Người ta phải xem xét từng thứ một, đặt lên bàn cân, đo đếm về kết quả ngắn và dài hạn.
Dẫu có khó khăn, hãy xác định xem đâu là thứ mình cần hơn. Làm chủ được kỳ vọng về giá trị, bạn có thể tập trung vào điều gì mình thấy cần, tránh khỏi những tác động không cần thiết để đưa ra được quyết định tối ưu.
2. Hiểu về thiên kiến
Có mấy thứ bạn cần nhận biết, bao gồm
Thiên kiến xác nhận:
Chúng ta thiên về niềm tin đã có từ trước, và đều mong muốn bảo vệ hình ảnh của mình. Khi bị che mắt bởi một niềm tin có sẵn, ta có xu hướng tìm kiếm thông tin để khẳng định niềm tin đó, và từ chối thu nạp các ý kiến chứng minh điều ngược lại. Ra quyết định dựa vào thiên kiến xác nhận thì rất kỳ.
Ngụy biện chi phí chìm:
Là trạng thái ta cảm thấy tiếc nuối khi muốn vứt bỏ một thứ mà ta đã dành nhiều thời gian và công sức nhưng không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại. Nói cách khác, bạn khó có thể thừa nhận mình đã sai trong nhiều năm.
Tự tin thái quá:
Bạn sẵn sàng làm mọi cách để không phải chịu bất lợi ở hiện tại, dù nó khiến bạn phải bỏ lỡ những thành tựu về lâu dài. Nhiều khi bạn quá tự tin vào khả năng của bản thân, hoặc đánh giá thấp tình hình, khiến mọi chuyển xảy ra theo chiều hướng vượt quá tầm kiểm soát, dẫn đến lựa chọn của bạn trở thành một “Quyết định đi vào lòng đất”.
Để tránh khỏi những thiên kiến, ta cần có được sự “Tự nhận thức”. Bằng việc biết rằng thiên kiến luôn tồn tại, bạn sẽ luôn có cái nhìn rõ ràng về tình huống thực sự mình đang gặp phải và bản chất của các lựa chọn mình đang có, qua đó đưa ra được quyết định chính xác hơn.
3. Thu thập lượng thông tin tối ưu
Rồi, giờ tới bước thu thập thông tin. Hãy nghiên cứu và tìm kiếm các góc nhìn khác nhau về vấn đề của bạn. Bạn càng có nhiều thông tin, bạn càng có đủ khả năng đưa ra quyết định sáng suốt.
Dễ phải không?
Không 🙂
Khi nói đến việc ra quyết định, nhiều người trong chúng ta rơi vào hai nhóm, mà các nhà tâm lý học gọi là những người tối đa hóa và những người thỏa mãn.
- Những người tối đa hóa (maximizers) là những người luôn muốn tìm ra giải pháp tốt nhất có thể, ngay cả khi phải mất nhiều thời gian và công sức. Họ thường nghiên cứu rất kỹ lưỡng và cân nhắc mọi lựa chọn trước khi đưa ra quyết định.
- Những người thỏa mãn (satisficers) là những người hài lòng với giải pháp đầu tiên mà họ tìm thấy, miễn là nó đáp ứng được các tiêu chí cơ bản của họ. Họ thường không muốn dành quá nhiều thời gian và công sức cho việc ra quyết định.
Sự khác nhau giữa hai nhóm này như kiểu, một người cố tìm bằng được một chỗ đậu xe ở một trung tâm thương mại siêu đông đúc, và một người đỗ xe cách đó 2 dãy nhà rồi đi bộ. Phương pháp nào tốt hơn? Việc này, lại một lần nữa, phụ thuộc vào mục tiêu và các giá trị của bạn đề ra trước đó. Chìa khóa để đưa ra quyết định tốt không nhất thiết phải tìm ra lựa chọn tốt nhất, mà là tìm ra lựa chọn phù hợp với các mục tiêu và giá trị của riêng bạn. Đôi khi, ở sâu trong góc kia sẽ có chỗ đỗ xe cho bạn, nhưng cũng đôi khi, thà đi bộ còn nhanh hơn.
(Còn tiếp)
Theo: Mark Manson
One Reply to “Ra quyết định làm sao cho chuẩn”