Nhập môn cờ vây: Luật chơi cơ bản

4 min read

Cờ vây là một trong những loại cờ lâu đời nhất trên thế giới. Theo nhiều ghi chép để lại cờ vây đã xuất hiện từ hơn 3000 năm trước ở Trung Hoa cổ đại. Cờ vây có lối chơi khá thú vị và khá lạ khi so với các loại cờ phổ biến khác như cờ vua hay cờ tướng. Thay vì cần phải ăn quân của đối phương và chiếu tướng là mục đích tối cao thì ở cờ vây chúng ta cần phải chiếm “đất”.

Bàn cờ và quân cờ

Bàn cờ

Có 3 loại kích thước bàn cờ vây

  • 9×9: Đây là kích thước nhỏ nhất và thường được sử dụng cho trẻ em hoặc để dạy các khái niệm cơ bản của cờ vây.
  • 13×13: Kích thước này thường được sử dụng cho người mới bắt đầu hoặc cho các trận đấu ngắn hơn. Nó giúp người chơi làm quen với các quy tắc và chiến thuật cơ bản của cờ vây.
  • 19×19: Đây là kích thước tiêu chuẩn được sử dụng trong các trận đấu chuyên nghiệp và giải đấu. Nó cung cấp không gian rộng lớn cho các trận đấu phức tạp và chiến lược.

Hình bên dưới là bàn cờ kích thước 9×9

Quân cờ

Quân cờ có 2 hình dạng phổ biến là theo phong cách:

Phong cách Nhật Bản và Hàn Quốc với hình thấu kính lồi 2 mặt và phong cách Trung Quốc phẳng dưới đáy là lồi bên trên.

Kích thước tiêu chuẩn của một quân cờ là khoảng 22mm đường kính. Độ dày quân cờ được ưa chuộng nằm giữa 8.4mm đến 9.5mm

Mỗi bộ cờ vây sẽ có 181 quân đen và 180 quân trắng.

Luật chơi cơ bản

  • Các quân cờ được đặt tại các giao điểm. 
  • Không được di chuyển quân cờ khi đã đặt xuống bàn. 
  • Người cầm quân đen đi trước.
  • Đen và Trắng luân phiên đặt quân xuống bàn cờ.
  • Mục tiêu của cờ vây là vây đất. Cuối mỗi ván cờ, bên nào vây được nhiều lãnh thổ hơn là người chiến thắng
  • Quân trắng đi sau nên khi tính điểm được cộng 6.5 đơn vị

Đất

Đất là các giao điểm trên bàn cờ, mỗi giao điểm được coi là 1 đất.

Bên nào chiếm được nhiều đất hơn sẽ chiến thắng. Như hình bên trên quân trắng chiếm được phần đất có ký tự w, tổng là 27 đất. Quân đen chiếm được phần đất có ký tự b, tổng là 28 đất. Do đó quân đen nhiều hơn quân trắng 1 đất.

Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, quân trắng đi sau nên được cộng 6.5 đơn vị vậy tổng điểm của trắng là 27+6.5 = 33.5. Trắng là người thắng.

Khí

Mỗi khi một quân cờ được đặt xuống bàn cờ thì sẽ có 4 giao điểm liền kề với quân cờ đó theo các đường dọc và ngang của bàn cờ. Được gọi là khí của một quân cờ.

Xem xét hình bên trên, quân cờ đặt ở giữa bàn cờ sẽ có 4 khí. Quân cờ ở cạnh bàn cờ sẽ có 3 khí. Và quân cờ ở góc bàn cờ sẽ có 2 khí. Các giao điểm ở góc chéo của quân cờ không được coi là khí của quân cờ đó.

Khí cực kỳ quan trọng đối với một quân cờ, một quân cờ hết khí đồng nghĩa với cái “chết”. Do vậy nên việc tăng khí cho một quân cờ là rất quan trọng.

Để tăng khí cho một quân cờ thì cần nối nhiều quân cờ lại với nhau, tạo thành một nhóm quân.

Như ở hình bên trên, quân đen bên dưới quân đen A được nối với nhau và tạo thành một nhóm quân. Nhóm quân này sẽ có 6 khí thay vì 4 khí như một quân cờ đơn lẻ.

Tuy nhiên để tạo thành một nhóm quân thì các quân cờ cần được đặt lên khí của nhau. Quân cờ B sẽ không được coi là cùng nhóm quân với quân cờ A do không được đặt trên khí của nhóm quân A.

Luật ăn quân

Một quân cờ khi bị các quân cờ của đối phương chiếm hết khí thì sẽ bị bắt làm tù binh.

Xem xét hình bên trên, quân trắng có 4 khí, khi bị quân đen bao vây hết 3 khí. Trong trường hợp này, nếu trắng không đặt thêm quân nối vào để tăng khí cho quân trắng bị bao vây sẽ dẫn đến quân đen sẽ chiếm nốt 1 khí còn lại của quân trắng và quân trắng sẽ bị quân đen bắt làm tù binh.

Một quân cờ bị bắt làm tù binh sẽ bị bốc ra khỏi bàn cờ và đặt vào khay tù binh của đối phương.

Tổng kết

Qua bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu được những luật chơi cờ vây cơ bản. Ở các bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về luật chơi cờ vây cũng như các kỹ thuật trong cờ vây.

Tham khảo: https://blogcovay.com/tag/luat-co-vay/

Avatar photo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *