From FOMO to JOMO: tại sao không thử?

5 min read

FOMO – Fear Of Missing Out

FOMO, viết tắt của “Fear Of Missing Out” (Hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ), là một hiện tượng tâm lý phổ biến trong thế giới hiện đại, đặc biệt là thời đại mạng xã hội và công nghệ số. Đúng như cái tên của nó, FOMO dùng để chỉ cảm giác lo lắng rằng bạn có thể bỏ lỡ những sự kiện thú vị, đặc biệt là những sự kiện bạn biết đến thông qua mạng xã hội.

Chẳng hạn, khi lướt mạng xã hội, bạn có hay so sánh cuộc sống của mình với những người khác rồi thốt lên: “Sao họ lại vui vẻ và hạnh phúc thế nhỉ?”. Và đó cũng là lúc FOMO xuất hiện, khiến ta nảy sinh ám ảnh rằng mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp hơn mình. Rồi ta sẽ tiêu tốn tiền bạc, thời gian để có được những thứ hào nhoáng, chạy theo “trend”.

Thực tế, hội chứng FOMO khiến con người mắc kẹt trong việc tìm kiếm và sưu tầm những thứ mới, luôn phải được “cập nhật” mới nhất. Có thể nói, hội chứng FOMO chính là rào cản của sự mãn nguyện và hạnh phúc thực sự.

FOMO, hội chứng tâm lí sợ bỏ lỡ, là hiện tượng được tiến sĩ Dan Herman phát hiện và đặt tên từ năm 1996. Khi có quá nhiều lựa chọn thú vị, con người sẽ cảm thấy áp lực khi mình không được tận hưởng toàn bộ.

Bạn đang ở mức độ nào của FOMO rồi?

Để đo mức độ FOMO, năm 2013, Andrew Przybylski và các đồng sự đã phát triển một thang điểm gồm 10 tuyên ngôn để mọi người có thể tự chấm điểm cho bản thân mình, từ 1 = “Hoàn toàn không phải mình”, 2 = “Hơi giống mình một chút”, 3 = “Khá giống mình”, 4 = “Rất đúng với mình” và 5 = “hoàn toàn là mình rồi”.

10 Tuyên ngôn đó là:

  1. Tôi sợ người khác có trải nghiệm đáng nhớ hơn mình.
  2. Tôi sợ bạn bè có những trải nghiệm thú vị hơn mình.
  3. Tôi lo lắng khi nhận ra rằng lũ bạn có những niềm vui riêng lúc vắng mặt mình.
  4. Tôi lo lắng khi không biết bạn mình đã phát triển tới tầm nào.
  5. Tôi cần phải hiểu những “in jokes” của lũ bạn.
  6. Thỉnh thoảng, tôi không biết liệu mình có đang dành quá nhiều thời gian chạy theo “mốt”.
  7. Thật khó chịu khi tôi lỡ hẹn với bạn mình.
  8. Khi đang tận hưởng những khoảng khắc vui vẻ, tôi phải chia sẻ lên mạng xã hội ngay.
  9. Tôi thấy phiền lòng khi vắng mặt trong những buổi tụ tập hẹn trước của lũ bạn.
  10. Khi đi nghỉ mát, tôi vẫn liên tục F5 để xem bạn bè đang làm gì.

Thật lòng đi, bạn đang ở mức độ nào rồi? Đã đáng báo động chưa?

Từ FOMO đến JOMO: Tự tìm hạnh phúc cho bản thân

Song song với sự xuất hiện của hội chứng FOMO là JOMO – Joy Of Missing Out. Có thể xem JOMO giống như “liều thuốc giải độc” về mặt cảm xúc cho FOMO, nó đơn giản là đừng so sánh cuộc sống của mình với những thứ “có vẻ vui” người khác, thay vào đó hãy tận hưởng hiện tại và tập trung vào điều khiến bạn thật sự hạnh phúc, thoải mái.

Nghe qua thì có vẻ đơn giản, nhưng làm sao để thay đổi từ FOMO sang JOMO, từ đó thoát khỏi cái bóng tự so sánh bản thân với người khác và an tâm tận hưởng cuộc sống với phiên bản hoàn hảo nhất của mình?

Học cách lựa chọn và từ chối

Thay vì cố gắng tham gia hết mọi “cuộc vui” rồi khiến bản thân cạn kiệt năng lượng, tại sao bạn không thử học cách lựa chọn – lựa chọn đầu tư vào những hoạt động khiến bạn thật-sự-hạnh-phúc?

Nhiều lúc, học cách nói lời từ chối với những thứ không cần thiết, những thứ khiến bạn không thoải mái cũng là một cách để bạn tự yêu thương bản thân mình.

Vậy nên, hãy đưa ra những sự lựa chọn cần thiết và tận hưởng những khoảng khác hạnh-phúc-thực-sự nhé!

Hãy sống “thực”

Bạn à, hãy dành nhiều thời gian hơn để tạo nên những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống “thực”, thay vì chạy theo những “ảo” ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội.

Đừng tiếp tục dành thời gian “hóng hớt” drama hay những xu hướng mới trên mạng xã hội nữa. Thay vào đó, sao bạn không thử bỏ điện thoại xuống, nghĩ về bản thân và những người yêu thương, hay thử làm những thứ bạn thích như nấu ăn, đọc sách hay vẽ vời linh tinh… nhỉ?

Đừng nói “giá như…”

Nhiều lúc, bạn vẫn tự hỏi bản thân với những thứ đã qua đi, chẳng hạn “Giá như lúc nãy trả lời như thế này thì tốt hơn“, “giá như lúc ấy mình làm thế này thì tốt hơn“, và rồi bạn trăn trở mãi, hối hận vì những điều mình đã bỏ lỡ.

Thế những, sai lầm và bỏ lỡ là những chuyện rất thường tình, vậy nên, đừng than vãn “giá như…” nữa, hãy học cách tự thông cảm cho bản thân và học hỏi từ những sai lầm ấy. Có như thế thì bạn mới có thể tận hưởng những hạnh phúc đang có và trở thành một phiên bản tốt nhất của bản thân.

Tóm lại, hạnh phúc không tự nhiên chạy về phía mình mà chúng ta phải tự đi tìm hạnh phúc. Và đơn giản nhất, hãy học cách chân thành với bản thân, và tìm kiếm hạnh phúc trong thực tại, thay vì tiêu tốn hết năng lượng chạy theo những thứ “có vẻ vui” ngoài kia.

Avatar photo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *