Bội thực Dopamine – Lí do làm gì cũng thấy chán

6 min read

Liều thuốc Dopamine – một thuật ngữ đã trở nên phổ biến trong thế giới hiện đại, đề cập đến việc ám ảnh và đam mê những hoạt động kích thích mà chúng ta biết là không tốt cho sức khỏe, nhưng vẫn không thể cưỡng lại.

“Liều thuốc Dopamine”, cái gì càng hại càng hấp dẫn

Trong vô thức, bạn có thấy mình mới dậy đã lướt Facebook, xem story Instagram, hay xem TikTok đến 2h sáng? Dù biết rõ không cần thiết phải làm thế nhưng vẫn thấy hưng phấn và bị cuốn vào.

Mọi chuyện sẽ vẫn vui đến lúc bạn bắt đầu thấy… chán ngay cả khi làm những việc đáng ra bạn phải vui. Xem tiktok càng lâu mình càng cảm thấy vô vị

Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang “bội thực Dopamine” – bị chai lì cảm xúc với các hoạt động kích thích mạnh, và gần như làm gì cũng làm mình thấy chán.

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, có trách nhiệm điều chỉnh cảm xúc, hưởng thụ và động lực. Dopamine sẽ ra hiệu cho não ghi nhớ những ký ức tốt đẹp này trong đầu và khuyến khích ta lặp lại chúng.

Rất tiếc là trong cuộc sống hiện đại, chúng ta thường tiếp xúc với nhiều loại kích thích khác nhau, như caffeine, thuốc lá, tình dục, đồ ngọt,…. Những kích thích có phần tiêu cực này sẽ khiến não sản sinh nhiều dopamine hơn, từ đó chúng trông mời gọi và hấp dẫn hơn các kích thích lành mạnh khác (Nghiên cứu từ PubMed Central).

Điều này dẫn đến hiện tượng bội thực Dopamine, khi chúng ta cảm thấy cảm xúc mãnh liệt và nỗi ám ảnh với những hoạt động này. Khi mất kiểm soát, chúng ta sẽ tự động lặp lại những hoạt động mạnh này và biến chúng thành hành vi bị ép buộc.

Bạn có nghiện 6 loại hoạt động sản sinh “dopamine cao” sau đây?Các hoạt động tiết ra Dopamine cao

Tiến sỹ Tâm thần học Cameron Sepah đã tổng hợp và chia chúng thành 6 loại hoạt động kích thích cao dưới đây. Không ít thì nhiều, bạn có thấy mình trong đó?

  • Ăn uống vô độ (Compulsive eating): Ăn nhiều vì stressed, sơ hở là nạp đường (trà sữa, nước ngọt,…), ăn vặt văn phòng thường xuyên.
  • Nghiện mạng xã hội (Social media addiction): Liên tục check thông báo, lướt TikTok/Reels không kiểm soát, bồn chồn nếu offline quá lâu.
  • Bài bạc (Gambling): Không chỉ là đánh bài ăn tiền, đây còn là các hoạt động cá độ, đánh đề, càng “lời” càng lao vào chơi tiếp.
  • Ghiền mua sắm (Shopping addiction): Biết hàng kém chất lượng vẫn mua vì rẻ, mua nhiều nhưng không xài, tiêu trên mức thu nhập.
  • Tình dục (Sex): Xem quá nhiều phim 18+, nghiện “tự sướng” và các hoạt động thân mật khác.
  • Chất kích thích (Drug): Caffeine, thuốc lá, khí cười, cần sa, và các chất bị liệt vào danh sách cấm khác.

Tại sao biết không tốt, mà vẫn đâm đầu

Mặc dù chúng ta biết rõ rằng việc tiếp tục tham gia vào các hoạt động tiết ra Dopamine cao có thể gây hại cho sức khỏe, chúng ta vẫn không thể ngừng lại. Lý do là Dopamine tạo ra một cảm giác hưng phấn và thỏa mãn ngay lập tức, khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn và quên đi những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Điều này khiến cho chúng ta dễ dàng rơi vào vòng lặp nghiện và bội thực Dopamine.

Về bản chất, “kích thích mạnh” quyến rũ chúng ta vì:

  • Kích thích mạnh thường dễ tiếp cận: Như mua sắm giá rẻ ai cũng có thể mua, mạng xã hội trên smartphone ai cũng có thể lướt.
  • Kích thích mạnh có tốc độ nhanh: Video nhanh và ngắn tạo cảm giác thiếu thốn, khiến ta cần phải xem lại và xem nhiều hơn nữa. Ví dụ đơn giản, ta ghiền xem TikTok vì mỗi video chỉ 10 giây, nhưng chịu chết khi phải xem 1 clip YouTube dài 1 tiếng.

Bắt đầu thấy chán vì “bội thực dopamine”

Sự thỏa mãn từ kích thích này sẽ khiến não yêu cầu những kích thích hard-core hơn. Dần dà, mức độ hưng phấn không ngừng của chúng ta sẽ đạt đến đỉnh cao và sau đó bắt đầu giảm dần như một cuộn lượn siêu tốc.

Đây là lúc chúng ta trải qua tình trạng “tụt mood” khó diễn tả sau khi dành hàng giờ lướt TikTok hoặc ăn buffet quá đà đến mức no căng bụng… Tâm trạng trong khoảnh khắc đó trở nên trống rỗng và ta hối hận vì không thể kiểm soát được nhu cầu của chính bản thân.

Không chỉ nhìn đời buồn chán, một khi đã quá quen với cường độ hưng phấn mạnh và các liều dopamine hạng nặng, bạn còn mất luôn khả năng cảm thụ những “kích thích yếu”, như nghe nhạc nhẹ, podcast, đọc sách, vẽ tranh…

Các cách sống chậm để tránh bội thực Dopamine

Để tránh bội thực Dopamine và tạo ra một lối sống cân bằng, chúng ta có thể áp dụng những cách sống chậm sau đây:

  • Thiết lập giới hạn: Đặt giới hạn thời gian và tần suất cho các hoạt động tiết Dopamine cao như xem phim, chơi game hay sử dụng mạng xã hội. Bằng cách làm như vậy, chúng ta có thể tận hưởng những hoạt động khác trong cuộc sống và tránh bị lạm dụng.
  • Tìm kiếm niềm vui từ những hoạt động khác: Tập trung vào những hoạt động sáng tạo, như việc đọc sách, viết, vẽ tranh hoặc tham gia một sở thích mới. Điều này giúp tạo ra những cảm giác thỏa mãn và hưởng thụ mà không dựa vào Dopamine.
  • Thực hiện thể dục và yoga: Vận động thể chất và các hoạt động thư giãn như yoga có thể giúp tăng cường cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn mà không dựa vào Dopamine.
  • Tạo ra kết nối xã hội thực tế: Thay vì dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, chúng ta nên tìm cách tạo ra kết nối xã hội thực tế với gia đình và bạn bè. Gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ thời gian thực sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc.

Kết

“Phụ thuộc vào kích thích” là một bản năng tự nhiên, nhưng nhận ra và rèn giũa giới hạn của chúng ta là một thách thức đích thực, cho thấy sự phát triển cao hơn về nhận thức và giá trị tinh thần bên trong mỗi cá nhân. Nếu chúng ta chưa trải qua đủ trải nghiệm đắng ngọt từ cuộc sống kích thích, chắc chắn chúng ta sẽ thiếu động lực để quay lại và bắt đầu một cuộc sống mới, lành mạnh hơn.

Học cách thưởng thức ngay cả những niềm vui nhỏ nhặt trong cuộc sống, là con đường bền vững nhất để chúng ta trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình trong tương lai.

Nguồn: https://vietcetera.com/vn/boi-thuc-dopamine-ly-do-ta-lam-gi-cung-thay-chan

Avatar photo

One Reply to “Bội thực Dopamine – Lí do làm gì cũng…”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *