Trung Do Duc Gulugulu huluhulu

Học sao cho vào – How to become a better learner?

9 min read

Học thì học không học thì học, vậy học sao mới là đúng cách? Dành ba tuần đọc một cuốn sách để rồi quên béng mọi thứ khi ai đó hỏi lại sau một tháng là cảm giác không ai ưa.

học sao cho vào

Dành ba tuần đọc một cuốn sách để rồi quên béng mọi thứ khi ai đó hỏi lại sau một tháng là cảm giác không ai ưa. Không chỉ thấy mình thật ngốc, bạn còn tự hỏi tại sao mình lãng phí vài chục giờ trong đời cho một đống từ không liên quan.

Có nhiều cách để học. Một số thì tốt, số khác lại tệ. Và thú vị là, dù trường học rao giảng về những gì cần học khi bạn còn nhỏ, thì chuyện làm sao để học hiệu quả lại chẳng được đề cập mấy.

Và “để học hiệu quả” nghĩa là A) không chỉ tích lũy kiến ​​thức mà còn là B) có thể áp dụng kiến ​​thức ấy hiệu quả vào một thời điểm trong tương lai.

Theo định nghĩa này, phần lớn những gì bạn làm ở trường không phải học mà là ghi nhớ tạm thời. Cũng với định nghĩa này, hầu hết các hội thảo, khóa học, cũng như sách và hội nghị mà mọi người bỏ tiền ra cũng không phải là học luôn.

Bạn không thực sự học cho đến khi những gì được học thay đổi bạn theo một cách nào đó, kể cả khi đó là sự thay đổi nhỏ nhoi.

1. Trí nhớ dựa trên mức độ liên quan

Trí nhớ hoạt động dựa trên mức độ liên quan. Bản chất chúng ta là những sinh vật ích kỷ. Ta sẽ chỉ nhớ những gì mà bộ não cho là quan trọng đối với cuộc sống của mình. Bạn có thể học điều oách nhất, nhưng nếu không tìm cách làm nó liên quan đến bản thân cũng như sự tồn tại của mình, não sẽ dễ dàng lãng quên nó đi.

Nếu muốn ghi nhớ thông tin, bạn cần dừng lại và dành một chút thời gian tự vấn: “Điều này liên quan đến mình như thế nào?” hoặc “Làm thế nào để có thể áp dụng nó trong cuộc sống?” Về cơ bản, bạn phải cá nhân hóa kiến thức ấy. Và nếu bạn không sẵn sàng tìm hiểu về bản thân hoặc suy nghĩ nghiêm túc về cuộc đời theo cách đó, thì hầu hết thông tin bạn sử dụng sẽ trôi tuột đi.

Bạn có thể mua một cuốn sổ (hoặc tạo một thư mục trên máy tính). Mỗi khi bắt gặp điều gì thú vị trong sách, hãy viết ra cách ứng dụng hoặc sự liên quan của nó với một vấn đề trong cuộc sống của bạn. Chẳng hạn, mình có thể sử dụng khái niệm này như thế nào, nó giúp giải thích điều gì trong quá khứ của mình, cách nó có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề mình gặp phải, v.v.

Về cơ bản, bạn cần tiếp cận bất kỳ tài liệu nào bạn đang nghiên cứu với mục đích rõ ràng trong đầu. Bạn không thể đọc một cuốn sách chỉ để nói rằng bạn đã đọc nó. Điều đó giống như hẹn hò với một người chỉ để nói bạn đã từng hẹn hò với họ. Nó trống rỗng, vô nghĩa và sớm thôi, bạn sẽ quên nó đã từng xảy ra. Hãy tìm hiểu mọi thứ bạn đọc với mục đích rõ ràng về những gì bạn muốn đạt được sau khi đọc, sau đó thực hiện các bước động não bổ sung để đảm bảo điều đó xảy ra.

2. Chức năng của bộ nhớ là liên kết, không phải “học vẹt”

Tất cả chúng ta đều đã từng xem một bộ phim tài liệu và khi nghĩ về nó sau vài ngày thì ta lại không thể nhớ nổi nội dung gì bên trong.

Đó là vì việc nhớ lại thông tin một cách mù quáng từ hư không hiếm khi hoạt động. Đây cũng không phải là cách hiệu quả để não chúng ta hoạt động.

Bộ nhớ hoạt động thông qua các liên kết. Ví dụ, tôi đã xem một bộ phim tài liệu cách đây vài năm về đội khúc côn cầu của Liên Xô. Đó là một trong những bộ phim mà tôi không chỉ quên nội dung, mà còn quên luôn mình đã từng xem nó.

Sau đó, một vài tháng trước, tôi có nói chuyện với một anh chàng đang viết sách về tinh thần đồng đội. Anh ấy đề cập đến điều gì đó về khúc côn cầu và bộ phim tài liệu ấy ngay lập tức quay lại đầu tôi. Tôi bắt đầu mô tả về nó với anh ấy, và đột nhiên những cảnh quay và các cuộc phỏng vấn khác nhau bắt đầu quay lại trong trí nhớ có ý thức của tôi.

Bộ nhớ hoạt động một cách liên kết, đó là lý do ta không nhớ mọi thứ từ hư không.

Thông tin đã luôn ở trong đầu tôi, chỉ là tôi không thể truy cập được vì nó không được liên kết hoặc không liên quan đến bất cứ điều gì tôi đang thảo luận.

Mặc dù vậy, ta có thể hiểu rằng trí nhớ hoạt động theo cách này rất hữu ích vì bạn có thể tiết kiệm những gì bạn chọn để nhớ kỹ hơn và những gì bạn không.

Trong thời đại mà mọi thứ đều có thể được tìm thấy trên Google và Wiki, đôi khi bạn chỉ cần nhớ được ý tưởng cốt lõi hoặc nguyên tắc chung đằng sau một cuốn sách hay bài báo là đủ hữu ích rồi.

Ví dụ, tôi không thể cho bạn biết các nghiên cứu hoặc thống kê về triển vọng việc làm và tỷ lệ tốt nghiệp đại học của nam giới. Nhưng tôi biết những xu hướng này đang giảm, và tôi nhớ có bài báo nổi tiếng từ The Atlantic (và một cuốn sách) có đề cập đến việc này. Tôi có thể dễ dàng tra cứu nếu tôi muốn biết tất cả những điều ấy (tôi vừa làm này, nó đây).

Tôi nhớ được điểm mấu chốt là các công nghệ mới đang tạo ra một nền kinh tế mới. Mà ở đó, những kỹ năng vượt trội của nam giới không còn hữu ích bằng những kỹ năng vượt trội của phụ nữ. Tôi không thể cho bạn biết bất cứ điều gì khác về bài báo, nhưng tôi biết đủ để tìm ra nó, đào nó lên và lựa chọn bất kỳ thông tin nào mình cần.

3. Việc đọc không nhất thiết phải tuyến tính

Một sai lầm khác mà rất nhiều người mắc phải là cho rằng họ phải đọc tất cả, đọc từng dòng một, đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Điều này không chỉ không đúng mà còn gây lãng phí thời gian và năng lượng.

Nếu bạn đang đọc một cuốn sách phi hư cấu và bạn đã hiểu ý chính của đoạn văn, vậy hãy chuyển sang phần tiếp theo. Nếu bạn đang đọc một nghiên cứu hoặc câu chuyện mà bạn đã từng nghe trước đây, hãy bỏ qua (trừ phi bạn muốn củng cố lại kiến thức). Nếu một cuốn sách dở tệ và thực sự chỉ có một chương hấp dẫn với bạn, thì chỉ cần đọc mỗi chương đó và bỏ bớt phần còn lại.

Khi mua một cuốn sách, bạn không mua từ ngữ mà mua ý tưởng

Khi bạn mua một cuốn sách, bạn không mua từ ngữ mà là mua những ý tưởng hữu ích. Công việc của người viết đơn giản là truyền tải những ý tưởng đó một cách hiệu quả nhất có thể. Nếu cách truyền tải của họ không hiệu quả, thì bạn có thể tự làm việc đó tùy theo tình hình.

Mục đích của việc tiêu thụ một cuốn sách (hoặc bài báo, video, podcast) là thu thập thông tin có liên quan và quan trọng với bạn. Chứ không phải chỉ để hoàn thành nó hoặc để hiểu từng từ.

Điều quan trọng ở đây là nguyên lý hay ý tưởng chủ đạo. Tất cả những thứ khác chỉ đơn thuần là một phương tiện được thiết kế để đưa nguyên tắc hoặc ý tưởng đó đến với càng nhiều người càng tốt. Một khi bạn đã nắm được nguyên tắc/ý tưởng đó, thì không có lý do gì để bạn thấy mình buộc phải ngồi đọc/xem/nghe phần còn lại (trừ khi bạn muốn).

4. Tư duy phản biện và đặt đúng câu hỏi

Mọi thứ bạn đọc nên được hoài nghi. Bạn nên đặt câu hỏi về thành kiến ​​của tác giả, liệu họ có đang diễn giải thông tin một cách chính xác hay không, liệu họ có đang bỏ qua điều gì khác hay không.

Một điều tôi cố gắng buộc bản thân phải làm, đặc biệt là khi tôi đang đọc thứ gì đó mà mình đồng tình, là hỏi “Làm thế nào mà điều này lại có thể sai?”

Bạn sẽ ngạc nhiên về tần suất bạn đặt ra nghi vấn.

Các câu hỏi hữu ích khác mà bạn có thể đặt ra khi đọc bao gồm:

“Tác giả được lợi như thế nào khi viết điều này?”
“Điều này có liên quan đến cuộc sống và hạnh phúc của chính tôi không? Nó có đáng để nhớ không? ”
“Nguyên lý cơ bản ở đây là gì? Làm thế nào để áp dụng cho các khía cạnh khác trong cuộc sống? ”
Sự thật là, có rất ít điều mà chúng ta có thể biết “chắc như đinh đóng cột.” Hầu hết các mô hình và lý thuyết đều có ít thực nghiệm để hỗ trợ cho chúng (chẳng hạn như mấy bài kiểm tra tính cách). Ngoài các lĩnh vực khoa học siêu khó, phần lớn các nghiên cứu hàn lâm ngoài kia vẫn còn rất mỏng manh, và có thể hoàn toàn sai lầm, thậm chí là rất sai.

Mọi thứ bạn đọc nên dược hoài nghi

Mọi thứ nên được cân nhắc từng li từng tí, (bao gồm cả những gì tôi đang viết ngay tại đây), đơn giản là vì hầu hết chúng đều không chắc chắn. Và khả năng điều hướng những điều không chắc chắn ấy một cách hiệu quả sẽ xác định độ sâu kiến ​​thức và mức hiểu biết của bạn, chứ KHÔNG chỉ đơn giản là nhớ một loạt sự kiện và con số.


Theo: Mark Manson

Avatar photo
Trung Do Duc Gulugulu huluhulu

2 Replies to “Học sao cho vào – How to become a…”

    1. Oke liền quí dzị ơi, anh có gợi ý nội dung cụ thể cho 2 phần đấy không ạ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *